January 12 2016
Trong môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt ngày nay, không một doanh nghiệp nào được ngủ quên trên vòng nguyệt quế. Công ty có thể đang làm ăn tốt, nhưng liệu thương hiệu có còn phù hợp với tình hình hiện tại và có đáp ứng yêu cầu thay đổi để phát triển nữa hay không?
Thương hiệu là bộ mặt của doanh nghiệp. Nếu thương hiệu không thể phản ánh mức độ cải tiến của doanh nghiệp, khách hàng có thể sẽ nghĩ rằng công ty đang đi thụt lùi. Cùng với đó, đối thủ cạnh tranh dù không có những lợi thế như bạn, nhưng nếu họ liên tục cải tiến thương hiệu, cũng có thể “vượt mặt” công ty bạn về cả danh tiếng và lợi nhuận.
Vậy khi nào thì công ty cần tái xây dựng thương hiệu? Dưới đây là một số trường hợp để cân nhắc.
Tạo lợi thế cạnh tranh
Thương hiệu là bộ mặt của công ty. Một kế hoạch tái xây dựng thương hiệu tốt là ở đó công ty thể hiện sự thấu hiểu những biến động cung - cầu của thị trường, và tận dụng nó để đạt được lợi thế cạnh tranh, gia tăng hiệu quả hoạt động và có được tiếng nói trong ngành.
Công ty cũng có thể tránh những tác động tiêu cực của cạnh tranh và gia tăng thị phần bằng những hình ảnh mới lạ.
Hãy đánh giá lại thông điệp thương hiệu để tránh làm ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng - yếu tố then chốt để duy trì thu nhập ổn định cho doanh nghiệp.
Kích thích tăng trưởng
Tái xây dựng thương hiệu còn giúp các công ty phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng hiện tại. Với các doanh nghiệp có danh sách sản phẩm/dịch vụ phức tạp, phân khúc khách hàng quá vụn và các chiến dịch tiếp thị không nhất quán, một kế hoạch tái xây dựng thương hiệu hiệu quả sẽ giúp công ty cải thiện tầm ảnh hưởng với một thị trường đông đúc
Khi công ty tiếp tục tăng trưởng và phát triển, những khách hàng thích sự mới lạ sẽ quay trở lại.
Mở rộng thị trường trong dài hạn
Tái xây dựng thương hiệu có thể trở thành một minh chứng cho sự cải tiến của doanh nghiệp. Đối với một doanh nghiệp nhỏ và đang trong giai đoạn phát triển mạnh, việc tái xây dựng thương hiệu cần mang thông điệp về một tổ chức lớn mạnh hơn, uy tín hơn. Ở giai đoạn này, để tránh bị trở nên yếu thế trước các đối thủ cạnh tranh năng động hơn, tái xây dựng thương hiệu là việc cần quan tâm.
Phản ánh sự cải tiến
Thương hiệu của công ty cần phản ánh được những thay đổi trong quy mô và vị trí trên thị trường, đồng thời cho thấy sự thay đổi trong những cải tiến về công nghệ. Sự phát triển về công nghệ và công việc kinh doanh thường gắn liền với nhau. Bất cứ thương hiệu nào gắn với công nghệ đều phải bắt kịp xu hướng của thời đại và xây dựng lại thương hiệu chính là việc phản ánh tiêu chí ấy.
Cuối cùng, dù lý do tái xây dựng thương hiệu là gì, công ty cần nắm rõ những yếu tố mới nhất như sự cải tiến trong sản phẩm/dịch vụ hay trong công việc kinh doanh nói chung. Quy trình tái xây dựng thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong việc đưa đến thông điệp về chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp cho khách hàng.
Tái xây dựng thương hiệu còn có thể mang lại hiệu ứng tích cực cho văn hóa nội bộ doanh nghiệp, bởi nó cần có sự góp sức, huy động tinh thần và kiến thức của nhân viên ở mọi cấp độ. Đây là cơ hội quý để huy động sự chung tay của toàn thể thành viên trong công ty tham gia tích cực vào việc xây dựng một văn hóa mới trong công ty.